19/08/2014 05:30 GMT+7

Nộp hồ sơ thi công chức thuế: Người trong cuộc nói gì?

LÊ THANH thực hiện
LÊ THANH thực hiện

TT - So với 43.000 hồ sơ trong kỳ thi vào năm 2012, con số 30.000 hồ sơ nộp dự tuyển thi công chức thuế năm nay vẫn còn thấp hơn nhiều.

Xếp hàng nộp đơn thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Xếp hàng nộp đơn thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Trường - vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục Thuế - về hiện tượng nhiều người chen lấn nhau nộp hồ sơ dự tuyển thi công chức thuế tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM vừa qua. Ông Trường cho biết: 

- Những năm trước, ngành thuế tổ chức thi tuyển ở 51 địa phương, còn năm nay chỉ tổ chức tại 21 địa phương, riêng khu vực miền Bắc chỉ có bảy tỉnh, thành phố được tổ chức thi tuyển. Do vậy, nhiều thí sinh ở các địa phương khác dồn về Hà Nội nộp hồ sơ khiến lượng hồ sơ lên tới hơn 8.000 bộ dù chỉ có 340 chỉ tiêu.

Kỳ thi năm nay được tổ chức sau đợt tốt nghiệp của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nên lượng thí sinh vừa tốt nghiệp nộp vào rất lớn. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tuyển dụng ít, nhiều người thấy thông tin đơn vị nào tuyển dụng là nộp hồ sơ vào ào ào.

* Nhiều ý kiến nhận định lượng thí sinh dồn vào ngành thuế thi tuyển đông như vậy là bởi mức lương khởi điểm của ngành cao hơn các ngành khác?

- Chế độ lương của cán bộ công chức thuế cũng như các ngành khác theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo cơ chế đặc thù của ngành thuế, Chính phủ có cho phép ngành thuế cơ chế tài chính riêng. Theo đó ngoài lương ra, nếu hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ thuế có bổ sung thu nhập với mức tối đa là 0,8 lần so với lương cơ bản.

Nhưng không phải công chức nào cũng được hưởng thu nhập này mà phải căn cứ bình xét thi đua. Nếu công chức thuế nào không hoàn thành công việc, vi phạm quy định... thì sẽ được hưởng rất ít, thậm chí không được hưởng thu nhập tăng thêm này. Nhà nước cho cán bộ thuế hưởng thêm phần phụ cấp này để góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ do tiếp xúc với doanh nghiệp, doanh nhân...

* Phải chăng dự tuyển đông vào ngành thuế là do cán bộ thuế có nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc?

- Việc thi tuyển, Tổng cục Thuế thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, không phân biệt thí sinh tốt nghiệp trường công lập hay dân lập, không phân biệt độ tuổi. Thí sinh cứ đủ 18 tuổi trở lên (trừ một số trường hợp như: không cư trú tại VN, hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự...) là được dự tuyển nên có nhiều trường hợp 40 tuổi, thậm chí 45 tuổi mà vẫn phải nhận.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ thuế rất rộng cũng là nguyên nhân số lượng hồ sơ nộp vào ngành thuế đông.

Thực tế, không chỉ thí sinh tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành tài chính, kinh tế như Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính... mà ngay cả thí sinh tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của Trường đại học Bách khoa, Đại học Mỏ - địa chất... cũng dự tuyển được.

* Tổng cục Thuế có ý kiến như thế nào về việc có một số đơn vị, cá nhân ngành thuế tổ chức các lớp bồi dưỡng ôn thi và bán tài liệu ôn thi vào ngành thuế?

- Đúng là có tình trạng một số hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng thi tuyển công chức ngành thuế để tổ chức lớp bồi dưỡng. Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo các thí sinh cẩn trọng với các lớp bồi dưỡng này.

Còn riêng với cán bộ thuế, Tổng cục Thuế đã có văn bản nghiêm cấm cơ quan thuế các cấp không được tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị, cá nhân mở các lớp bồi dưỡng ôn thi cho các thí sinh, tránh hiểu lầm.

Tôi còn biết rất nhiều địa chỉ rao bán tài liệu, rồi bồi dưỡng cho thí sinh. Họ còn rao là học lớp thầy này cô kia sẽ trúng đề vì họ trong tổ giao đề... Tôi khẳng định việc ra đề thi không phải một người hay một cơ quan ra đề mà Tổng cục Thuế đặt rất nhiều nơi, làm rất nhiều đề thi cho mỗi bài thi và bốc rất ngẫu nhiên. Ngoài ra, chúng tôi có thể sẽ chọn mỗi đề chỉ một câu.

Bộ Tài chính còn tổ chức tổ giám sát chặt các kỳ thi công chức ngành thuế. Cũng không có chuyện ưu ái cho bất cứ ai, con em trong ngành cũng như ngoài ngành mà chỉ ưu tiên cho con em gia đình chính sách như con thương binh liệt sĩ mà thôi.

* Đinh Thị Thu Hà (23 tuổi, Hải An, Hải Phòng):

Muốn tìm một việc làm ổn định

Tôi ra trường hơn một năm nhưng đến nay vẫn chỉ đi làm tạm bợ theo kiểu “học việc”. Số lượng người học ngành kinh tế quá đông, trong khi thời buổi kinh tế suy thoái nên sinh viên ra trường tìm được việc làm ổn định rất khó.

Các công ty, doanh nghiệp hiện nay đều có xu hướng muốn tìm người có kinh nghiệm, họ chưa tin tưởng vào khả năng của người mới mặc dù người mới thường rất nhiệt tình.

Do đó, khi nghe thông tin về thi tuyển được đăng tải công khai, rộng rãi trên báo chí và trên Internet, tôi và một số người bạn đã quyết định nộp hồ sơ với hi vọng kiếm được việc làm ổn định, chứ không hẳn do ngành thuế lương cao hơn các ngành khác.

* Nguyễn Mạnh Linh (Hà Nội):

Không hi vọng nhiều

Dù tôi ra trường ba năm nay, làm việc ở nhiều doanh nghiệp, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Tôi xác định nên thử sức thêm một lần nữa vì năm 2012 cũng đã thi tuyển vào Cục Thuế Hà Nội mà chưa thành công.

Đợt thi tuyển này dù đã chuẩn bị kiến thức rất kỹ và cũng có chút kinh nghiệm, song tôi cũng không hi vọng nhiều khi số lượng thi vào quá đông.

Đ.BÌNH - TH.HOÀNG

* Ông Đoàn Hồng Việt (phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng):

Thông tin công khai, minh bạch

Những năm gần đây, xu thế học các ngành kinh tế tăng vọt dẫn đến lượng người tốt nghiệp ngành này đông, chất lượng đào tạo lại có vấn đề nên không phải ai tốt nghiệp xin việc đi làm rồi cũng có thể trụ lại với nghề.

Khi Tổng cục Thuế phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương, đăng thông báo tuyển công chức rộng rãi, công khai, minh bạch nên rất nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp các trường kinh tế, ngoại thương, thương mại... lẫn các công chức đã có công việc rồi vẫn ồ ạt tìm đến các cục thuế địa phương có chỉ tiêu để nộp hồ sơ, mong muốn có công việc mới ổn định, phù hợp ngành học.

Khâu tổ chức thi tuyển công chức thuế đều rất chặt chẽ, minh bạch. Ví như tại Hải Phòng, đề thi sẽ được Tổng cục Thuế đưa về, thi tại Trường ĐH Hàng hải, bài thi do Học viện Hành chính chấm. Cục Thuế Hải Phòng không liên quan gì... 

* Ông Nguyễn Đình Tấn (cục trưởng Cục Thuế TP.HCM):

Chất lượng đầu vào sẽ tăng

Việc có đông người nộp hồ sơ là tình trạng chung của tất cả các ngành chứ không riêng ngành thuế do sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng nhiều. Nhưng với biên chế ít, nhiều người dự thi sẽ giúp chất lượng đầu vào tăng lên.

Còn lương bổng hay ưu đãi ngành thuế cũng giống như quy định lương chung của cơ quan nhà nước, theo ngạch, bậc.

Nhiều người cho rằng ngành thuế tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp nên cán bộ dễ hoạnh họe là không chính xác. Không thể vơ một vài trường hợp để làm cơ sở đánh giá cho cả ngành thuế. Ngành nào cũng vậy, nếu cán bộ sai thì phải xử phạt ngay.

Việc cắt giảm thủ tục hành chính, điện tử hóa cũng chỉ giúp cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp, giảm tải công việc, còn nhân viên ngành thuế vẫn phải quàng thêm, cái nào doanh nghiệp không kê khai thì nhân viên thuế phải đi xác minh. 

Đ.BÌNH - TH.HOÀNG  - N.BÌNH

LÊ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên